Triệu chứng bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, Cách chữa trị tại nhà

Bệnh phong thấp là gì?

Triệu chứng bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, Cách chữa trị tại nhà

Bệnh phong thấp là gì?

Hiện nay tỷ lệ mắc các bệnh lý cơ xương khớp ngày càng tăng, phổ biến bệnh phong thấp. Tìm hiểu về các cách chữa bệnh phong thấp là một điều cần thiết để chống lại căn bệnh dai dẳng và khó chịu này. Vậy Bệnh phong thấp là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây của AMA Medical Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.

Bệnh phong thấp là gì?

Người bệnh phong thấp
Người bệnh phong thấp

Bệnh phong thấp, tê thấp hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp, là một căn bệnh mạn tính tự miễn với các biểu hiện lên hệ thống xương khớp, đặc trưng bởi sưng, viêm, biến dạng khớp. Phong thấp thường đi kèm các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện tổn thương và viêm không đặc hiệu ở màng hoạt dịch khớp, kèm theo sưng viêm, đau nhức xương khớp.
  • Các tổ chức sụn khớp bị phá hủy dần dần gây dính khớp, biến dạng khớp.
  • Thường đi kèm nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương cơ quan trọng yếu như thần kinh, tim mạch, phổi thận, các tổ chức dưới da,…

Bệnh phong thấp thường gặp ở người lớn trong độ tuổi 30 – 50, trong đó nữ giới chiếm phần lớn, gần gấp đôi nam giới. Bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, đem lại hậu quả nặng nề, cần phát hiện sớm và kiên trì điều trị.

Nguyên nhân bệnh phong thấp do đâu?

Chưa có nghiên cứu chính thức nào làm rõ hoàn toàn các nguyên nhân gây bệnh phong thấp. Các nguyên nhân có thể đã tác động làm rối loạn hệ miễn dịch, khiến chúng tấn công trở lại màng bao quanh khớp gây viêm khớp, phá hủy khớp. Một số tác nhân đã được ghi nhận là yếu tố nguy cơ chứng bệnh này, đó là yếu tố di truyền, giới tính, tuổi tác và yếu tố môi trường. 

Theo đông y, phong tê thấp là chứng bệnh do cơ thể yếu ớt nên bị “phong”, “hàn”, “thấp”, “nhiệt” xâm nhập vào hệ thống cơ xương khớp gây tổn thương dẫn đến sưng, nóng, đỏ, đau các khớp xương, chân, tay,… Bệnh nhân có thể cảm nhận được hàn nhiệt, có thể có biến chứng nặng nề.

Triệu chứng bệnh phong thấp

Phong thấp rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về khớp khác bởi triệu chứng đa dạng, nhiều giai đoạn có cả thể cấp tính và thể ổn định. Có thể sơ bộ nhận biết bệnh phong thấp nhờ những dấu hiệu đặc trưng sau đây.

Triệu chứng bệnh phong thấp theo y học hiện đại

Các triệu chứng viêm khớp

Triệu chứng viêm khớp
Triệu chứng viêm khớp
  • Cứng khớp: Thường xảy ra vào buổi sáng sau khi thức giấc, cơ thể bắt đầu cử động, kéo dài khoảng 45 phút đến 1 giờ.
  • Sưng: Các khớp bị viêm dẫn đến lượng dịch tích tụ trong khớp nhiều lên. Lâu dần, vùng da chỗ các khớp tổn thương xuất hiện các cục u dưới da, được gọi là cục phong thấp.
  • Nóng: Vùng da khớp có dấu hiệu ấm hơn các vùng khác, đặc biệt, da khớp không bị đỏ.
  • Đau: Khớp bị viêm trở nên nhạy cảm hơn, đồng thời dịch tích tụ làm sưng to gây đau nhức khó chịu.
  • Biến dạng khớp: Xảy ra sau thời gian dài xuất hiện các triệu chứng trên.

Các triệu chứng này thường biểu hiện ở các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, các khớp giữa bàn và khớp liền đốt gân, sau đó lan ra khớp vai, khớp tay, khớp háng,…

Triệu chứng toàn thân

Không chỉ các khớp mà bệnh phong thấp còn ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Các biểu hiện thường gặp là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau nhức mỏi các cơ toàn thân,…

Triệu chứng cơ quan khác

  • Các cục phong thấp xuất hiện ở các vị trí ngoài khớp như dây gân gót chân, phổi.
  • Triệu chứng giảm tiết dịch: Dịch tiết giảm gây khô mắt, miệng, sưng to tuyến mang tai, dịch nước bọt giảm gây khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn.
  • Tim đập nhanh, loạn nhịp, viêm cơ tim, viêm màng tim, thiếu máu cơ tim.

Triệu chứng theo y học cổ truyền

Tùy theo sự cảm nhiễm bệnh, y học cổ truyền chia ra làm 4 loại khác nhau là Hành tê, Thống tê, Trứ tê, Nhiệt tê. Theo diễn biến bệnh, phong thấp được chia làm 3 thể là phong thấp, hàn thấp và tê thấp, mỗi thể có các dấu hiệu đặc trưng riêng.

Thể phong thấp

Triệu chứng thể phong thấp
Triệu chứng thể phong thấp

Ở thể này, cơn đau nhức xuất hiện tại các khớp xương và toàn bộ cơ thể, lan từ khớp này sang khớp kia. Người bệnh gặp khó khăn trong cử động, đi lại, có biểu hiện mệt mỏi, sốt, chỉ muốn nằm nghỉ. Tinh thần u ám, dễ buồn bực, bắt mạch thấy phù.

Thể hàn thấp

Cơn đau ở thể hàn thấp chủ yếu cố định tại một hoặc vài khớp, không có tính chất lan như thể phong thấp. Thể hàn thấp bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, càng lạnh càng đau, thường đau nhiều vào ban đêm, mùa đông. Người bệnh có các triệu chứng co cứng tay chân, khó co duỗi khớp, rêu lưỡi trắng, đại tiện lỏng, mạch khẩn.

Thể tê thấp

Đây là thể bệnh nặng nhất. Người bệnh thường xuyên bị đau nhức dữ dội, tê bì da thịt, đi lại, cử động khó khăn. Cơn đau xuất hiện thường xuyên, dai dẳng và âm ỉ ảnh hưởng đến các giác quan của người bệnh.

Khi bệnh diễn biến xấu đi, người bệnh có thể bị tê liệt một phần cơ thể, bắt mạch nhu hoãn.

Cách chữa bệnh phong thấp 

Bệnh phong thấp ngày càng trở nên phổ biến, các nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh phong thấp theo đó ngày càng phát triển và hiệu quả. Đông y và Tây y có các hướng điều trị khác nhau. Người bệnh có thể trị phong thấp tại nhà hoặc dựa theo phác đồ bác sĩ đứa ra tùy vào tình trạng bệnh. Tuy nhiên dù theo hướng nào, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ hướng dẫn và kiên trì điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chữa phong tê thấp bằng bài thuốc dân gian

Từ xa xưa, ông cha ta đã nghiên cứu và cho ra đời những bài thuốc chữa phong thấp bằng Đông y có tác dụng được ghi nhận và được lưu truyền đến ngày nay.

Cách trị phong thấp bằng muối

Ngâm chân trong nước muối có thể cải thiện tình trạng bệnh
Ngâm chân trong nước muối có thể cải thiện tình trạng bệnh

Muối là chất sát khuẩn, sát trùng, đồng thời có tác dụng lưu thông khí huyết, giúp tổn thương nhanh chóng hồi phục. Có hai cách chữa bệnh phong thấp bằng muối là chườm nóng và ngâm chân.

Chườm nóng:

  • Rang 1 chén muối lên cho nóng.
  • Cho muối mới rang vào một miếng vải, chườm lên vùng khớp bị tổn thương.
  • Tác dụng: Giảm đau nhức, tiêu viêm.

Ngâm chân:

  • Hòa tan 2 thìa muối vào chậu nước 50- 60 độ C. 
  • Ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ.
  • Tác dụng: Kích thích huyệt đạo, hoạt huyết, hỗ trợ giấc ngủ.

Chữa bệnh phong thấp bằng gừng và củ hành

Gừng và hành có tính nóng, bổ huyết, có tác dụng làm tan cơn đau khớp.

  • Chuẩn bị: 60g gừng tươi + 500g hành đã rửa sạch, gừng giã nát, hành cắt nhỏ. Trộn đều hỗn hợp cùng bã rượu, sao nóng.
  • Sau đó cho hỗn hợp vừa sao nóng vào một miếng vải sạch, chườm lên vị trí khớp tổn thương. Khi khăn nguội, đem hỗn hợp sao nóng lại và tiếp tục chườm. Lặp lại 2-3 lần.

Phương pháp này giúp làm giảm nhanh chóng các cơn đau nhức xương khớp.

Ngoài ra, có thể sử dụng gừng chữa phong thấp bằng cách hãm với nước sôi uống thay trà hoặc nấu với nước và muối ngâm để ngâm tay chân. Dưới đây là cách sử dụng gừng làm rượu xoa bóp:

  • Chuẩn bị: Hỗn hợp 3kg gừng + 2 lít rượu nếp. Ngâm khoảng 1 tháng.
  • Cách sử dụng: Dùng xoa bóp vào khớp tổn thương 2 lần/ ngày.
  • Phương pháp này giúp giảm đau nhức, giữ ấm, lưu thông máu.

Chữa bệnh phong thấp bằng lá lốt

Lá lốt - Dược liệu được dùng phổ biến cho bệnh phong thấp
Lá lốt – Dược liệu được dùng phổ biến cho bệnh phong thấp

Lá lốt từ xa xưa đã là loại nguyên liệu tốt cho xương khớp do có chất kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau hữu hiệu. Có hai cách sử dụng là sắc thuốc hoặc nấu canh.

Lá lốt sắc thành thuốc:

  • Chuẩn bị: 30g lá lốt tươi hoặc 10g lá lốt phơi khô + 300ml nước. Sắc hỗn hợp đến khi còn khoảng 150ml thì dừng lại.
  • Uống hết 1 lần, sau bữa ăn.
  • Kiên trì sử dụng trong vòng 10 ngày giúp giảm rõ rệt các cơn đau nhức xương khớp, đồng thời kích thích lưu thông khí huyết.

Lá lốt nấu canh:

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá lốt rửa sạch, thái nhỏ nấu canh. Thêm gừng tươi, ngải cứu, húng quế để tăng hiệu quả.
  • Sau đó ăn như canh thông thường.
  • Công dụng: Giảm đau nhức xương khớp, tê bì chân tay.

Chữa bệnh phong thấp bằng cây chìa vôi

Theo ông cha ta, chìa vôi có tính mát, giúp giải độc, thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, tán huyết, trừ tê thấp. Thảo dược này đặc biệt thích hợp với những người bệnh xương khớp và viêm thận. Cách dùng phổ biến, đơn giản và hiệu quả như sau:

  • Chuẩn bị một hỗn hợp 50g chìa vôi + 20g cẩu tích + 20g đương quy + 40g ngưu tất + 10g xuyên khung. Ngâm hỗn hợp trong 1 lít rượu trắng trong thời gian 7 ngày.
  • Uống 20- 30ml hỗn hợp rượu mỗi lần, ngày 3 lần.
  • Tác dụng: Giảm đau, chống viêm, tiêu sưng.

Chữa bệnh phong thấp bằng cần tây

Cần tây - Thực phâm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
Cần tây – Thực phẩm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

Cần tây được tận dụng tất cả các bộ phận từ rễ, thân, lá để sắc làm thuốc chữa bệnh phong thấp. Cách chữa bệnh phong thấp bằng cần tây cụ thể như sau:

  • Chuẩn bị: Cần tây (bao gồm cả lá, thân, rễ) rửa sạch với nước, đem phơi khô trong bóng râm. Bảo quản.
  • Sắc thuốc: 150g dược liệu đã phơi + 500ml nước. Đun hỗn hợp nhỏ lửa trong khoảng 45 phút.
  • Cách dùng: Chia làm 3 lần uống, sử dụng hết trong ngày. Cần uống khi thuốc còn ấm. 

Một lưu ý thêm là tác dụng của thuốc có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi các thực phẩm có tính hàn. Do vậy, để đạt hiệu quả tốt nhất, trong quá trình điều trị nên hạn chế tối đa các thực phẩm này.

Chữa bệnh phong thấp bằng rễ cây nhàu

  • Chuẩn bị: Rễ nhàu rửa sạch, thái lát mỏng, sấy khô hoặc sao vàng. Ngâm hỗn hợp 100g rễ nhàu khô + 2 lít rượu trắng trong vòng 1 tháng.
  • Mỗi ngày 1 ly nhỏ uống trước khi ăn.
  • Giúp giảm đau nhức xương khớp, giải trừ hàn khí.
Tìm hiểu thêm về dược liệu hỗ trợ chữa bệnh phong thấp: Cà gai leo có tác dụng gì? Uống nhiều có hại không? Giá bán, mua ở đâu? 

Các liệu pháp vật lý chữa bệnh phong thấp

Liệu pháp nhiệt

Liệu pháp nhiệt được nhiều người sử dụng để giảm đau
Liệu pháp nhiệt được nhiều người sử dụng để giảm đau

Có 3 liệu pháp nhiệt với các tác dụng khác nhau được sử dụng phổ biến. Đó là chườm nóng, chườm lạnh, chườm nóng lạnh kết hợp.

Chườm nóng:

  • Có thể chườm nóng khô bằng cách sử dụng túi đựng nước nóng, cục gạch hơ nóng, hoặc chườm nóng ướt bằng khăn thấm nước nóng. Nhiệt độ khuyến cáo từ 50 – 60 độ tránh bị bỏng.
  • Đem chườm lên vùng bị tổn thương trong vòng 15- 30 phút. Làm nóng lại vật chườm khi nhiệt độ giảm. Lặp lại sau 3 giờ nếu cơn đau nhức tái phát.
  • Tác dụng: Giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, giảm đau do giảm kích thích thần kinh.

Chườm lạnh:

  • Chuẩn bị 1 túi đá lạnh hoặc khăn nhúng nước lạnh.
  • Chườm lên vị trí đau khoảng 20 phút. Thường sử dụng trong vòng 48h từ khi có biểu hiện sưng nóng, đau khớp.
  • Tác dụng: Hạ nhiệt, tiêu sưng, chống sưng huyết, giảm đau.

Day bấm huyệt

Cùng với sự phát triển của y học cổ truyền, các phương pháp bấm huyệt ngày càng trở nên phổ biến hơn và trở thành phương pháp có thể sử dụng tại nhà. Đây là phương pháp sử dụng lực ngón tay tác động vào các vị trí huyệt đạo nhằm đả thông kinh mạch, kích thích tuần hoàn, giảm đau. 

Cách thực hiện: Ngồi ghế tựa hoặc nằm trên giường/ nệm phẳng. Ấn vào các huyệt đạo liên quan đến khớp tổn thương bằng lực tăng dần. Vì đây là phương pháp đòi hỏi độ chính xác cao nên trước khi tự thực hiện tại nhà, bạn nên tìm tới các phòng khám đông y hoặc cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ thầy thuốc.

Vận động đơn giản

Đi bộ nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe khớp
Đi bộ nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe khớp

Vận động hay các phương pháp thể dục thể thao luôn đem lại tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt giúp cải thiện các vấn đề về xương khớp. Sau đây là một số hình thức thể dục thể thao bạn có thể thử:

  • Đi bộ: Đây là phương thức tập luyện nhẹ nhàng. Giúp cơ xương duy trì hoạt động, tăng tính bền bỉ, lưu thông máu. Thích hợp duy trì hằng ngày và lâu dài.
  • Thái cực quyền: Rèn luyện sự dẻo dai cho hệ cơ xương khớp, giảm căng thẳng.
  • Yoga, thiền định: Thư giãn thần kinh cũng như cơ bắp. Thích hợp tập từ 30 phút mỗi ngày.
  • Bơi lội: Đây là phương pháp có sự tác động toàn diện nhất đến các bộ phận cơ thể như tăng sức mạnh, giải phóng áp lực, giúp cơ thể dẻo dai, tăng sức bền.
  • Aerobic: Giúp rèn luyện sức bền, sự dẻo dai. Nên duy trì tập 3 – 4 lần 1 tuần, mỗi lần 30 phút.

Chữa bệnh bằng thuốc phong thấp Tây y

Hiện nay, có 6 nhóm thuốc thường được bác sĩ kê đơn trong điều trị phong thấp, đó là nhóm thuốc giảm đau Paracetamol, nhóm thuốc kháng viêm phi steroid (NSAIDS), nhóm thuốc giãn cơ, nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDS), nhóm thuốc corticoid và nhóm thuốc sinh học.

Nhóm thuốc giảm đau – Paracetamol

Đây là một trong những nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị phong thấp bởi tác dụng giảm đau nhanh chóng và lành tính so với các thuốc cùng công dụng. Trong trường hợp cần tăng tác dụng chữa trị, người bệnh có thể kết hợp với các loại thuốc như Codein hay Tramadol.

Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, Paracetamol cũng có khả năng đem lại các tác dụng không mong muốn, tác động xấu tới các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, sử dụng quá liều thời gian dài có thể gây suy gan, hoại tử gan thậm chí tử vong. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng, tránh lạm dụng thuốc.

Nhóm thuốc kháng viêm phi steroid (NSAID)

Nhóm thuốc NSAID giúp tiêu sưng, kháng viêm
Nhóm thuốc NSAID giúp tiêu sưng, kháng viêm

Nhóm NSAID có tác dụng chính là kháng viêm, giảm sưng, hạ sốt đồng thời giúp giảm đau. Với bệnh viêm khớp dạng thấp, NSAIDS chủ yếu giúp chống viêm, tiêu sưng, ngăn ngừa tình trạng khớp viêm ở giai đoạn phong thấp và trung bình diễn biến xấu đi. Một số biệt dược được sử dụng trong nhóm thuốc này là Meloxicam, Diclofenac, Voltaren, Ibuprofen,…

Nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa nếu dùng quá liều nên cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt.

Nhóm thuốc giãn cơ

Đây là nhóm thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh, chỉ chuyên dùng cho trường hợp người bệnh khó cử động, co duỗi khớp. Các thuốc phổ biến trong nhóm là Mydocalm, Myonal và Decontractyl. Bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế các tác dụng phụ.

Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)

Đây là nhóm thuốc gồm nhiều phân nhóm thuốc nhỏ khác nhau: thuốc ức chế miễn dịch (methotrexate, cyclophosphamide,…) thuốc sốt rét (cloroquin), glucosamin sulfat,… Nhờ cơ chế ức chế miễn dịch, thuốc làm giảm quá trình hủy xương, sụn, giúp cải thiện tình trạng sưng đau. 

Nhóm thuốc này hạn chế sử dụng hơn các nhóm khác do thời gian tác dụng chậm 4- 6 tháng và có thể không cho tác dụng cụ thể, đồng thời, khi sử dụng thuốc trong thời gian dài sẽ có thể gây mất tác dụng, thậm chí gây độc ảnh hưởng tới người dùng.

Nhóm thuốc Corticoid

Corticoid thường được chỉ định cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
Corticoid thường được chỉ định cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

Cũng có cùng tác dụng kháng viêm như NSAIDS nhưng nhóm Corticoid cho tác dụng mạnh hơn, đặc trị trường hợp bệnh sang giai đoạn nặng không đáp ứng với các thuốc kháng viêm trên. Thuốc được sử dụng chủ yếu theo đường tiêm trực tiếp vào khớp viêm, ngoài ra còn có thể dùng theo đường uống. 

Chỉ sử dụng corticoid khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa bởi dùng sai cách hay quá liều đều có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nhóm thuốc sinh học

Nhóm thuốc này giúp ức chế quá trình hủy xương, kiểm soát tiến triển bệnh, sử dụng dưới dạng truyền dịch hoặc tiêm nên cần có sự can thiệp và giám sát của nhân viên y tế. Một số loại thuốc trong nhóm là thuốc ức chế tế bào B, tế bào T, IL.

Ngoài ra, để ổn định cơ thể cũng như đảm bảo chức năng các dây thần kinh, người bệnh được khuyến cáo bổ sung các vitamin nhóm B giúp ngăn ngừa quá trình viêm tiến triển.

Bệnh phong thấp kiêng ăn gì và nên ăn gì? 

Người bệnh phong thấp nên kiêng ăn đồ ăn nhanh
Người bệnh phong thấp nên kiêng ăn đồ ăn nhanh

Để tránh tình trạng bệnh ngày càng diễn biến xấu đi và để các loại thuốc, phương pháp hỗ trợ trị bệnh phong thấp đang dùng đạt kết quả tốt nhất, cần chú trọng thêm vấn đề dinh dưỡng. Dưới đây là một số loại thực phẩm cần hạn chế sử dụng cho người phong thấp.

  • Thực phẩm giàu chất béo no: Các món chiên, xào, đồ ăn nhanh như xúc xích, khoai tây chiên, gà rán,…
  • Thực phẩm giàu gluten: Ngũ cốc, đại mạch, lúa mì, lúa mạch,…
  • Thịt đỏ: Thịt bò, cừu, heo, ngựa,…
  • Thực phẩm chứa đường tinh chế.
  • Đồ uống chứa chất kích thích: Rượu, bia.
  • Nội tạng động vật.

Để điều trị và cải thiện căn bệnh phong thấp cần cần sự kiên trì và phối hợp tích cực với chế độ sống khoa học. Các cách chữa bệnh phong thấp trên chỉ mang tính tham khảo, bạn cần đi khám định kỳ để nắm bắt bệnh tình cũng như tìm ra cách thức điều trị phù hợp nhất.

5/5 - (2 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
Cập nhật: 18:08 - 26/09/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin mới